Monday, June 13, 2016

[VNCH] Đại Hội Liên Trường Quảng Đà 2016


Đại Hội Liên Trường Quảng Đà 2016

Theo thứ tự ABC có:
Bồ Đề, 
- Đại Lộc, 
- Đông Giang, 
- Hồng Đức, 
- Hòa Vang, 
- Nguyễn Trường Tộ, 
- Nguyễn Hiền, 
- Kỹ Thuật, 
- Blaise Pascal, 
- Phan Thanh Giản, 
- Phan Châu Trinh, 
- Quốc Gia Nghĩa Tử, 
- Sao Mai, 
- Thánh Tâm, và 
- Trần Quý Cáp 

đã được các cựu học sinh đại diện hãnh diện cầm bảng tên trường của mình giới thiệu cùng với các thầy cô, cựu học sinh Quảng Đà và thân hữu.

Đó là những trường được các nhóm cựu học sinh chính thức ghi tên tham dự Đại Hội Liên Trường Quảng Đà 2016 tại khách sạn Wyndham, Garden Grove OC, vào tối Chủ Nhật, 29/05/2016 với con số quan khách tham dự trên 600 người.

Tối hôm trước, Thứ Bảy 28/05/2016, một Đêm Tiền Đại Hội đã được tổ chức tại khách sạn Ramada Plaza, Garden Grove OC. Số người tham dự Đêm Tiền Đại Hội tuy không lên đến con số 600 nhưng khán phòng vẫn không có đủ chổ cho mọi người, do đó một số lớn quan khách đã phải đứng, ngồi tụ tập trò chuyện tại lobby của khách sạn. Tuy chỉ là một Đêm Tiền Đại Hội nhưng cũng có các màn văn nghệ - ca, vũ, trình diễn áo dài, và quốc phục của các quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á.

Nói về Đại Hội thì thường chỉ thấy các trường tổ chức riêng rẽ, duy chỉ có các cựu học sinh thuộc tĩnh Quảng Nam, thị xã Đà Nẵng là tổ chức Đại Hội Liên Trường và đã tổ chức nhiều lần tại nhiều thành phố khác nhau trong những năm qua. Về tham dự Đại Hội, một số lớn cựu học sinh đến từ các tiểu bang xa, từ nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là đến từ Việt Nam.

Sau phần giới thiệu các trường tham dự, quý thầy cô đã được mời lên để cùng làm lễ khai mạc Đại Hội với nghi thức chào quốc kỳ Việt-Mỹ và một phút mặc niệm. Tuy nhiên đây không phải là nghi thức chào quốc kỳ như thường lệ mà là hình ảnh của một buổi Chào Cờ tại sân trường với lời giới thiệu như sau -

"Biến cố lịch sử 1975 là một tai họa đến với dân tộc Việt. Các cơ chế miền Nam đã phải giải thể bất đắc dĩ, các trường học thuộc Quảng Nam, Đà Nẵng cũng cùng chung số phận. Sau 41 năm lưu lạc khắp nơi, hôm nay thầy trò, bằng hữu gặp lại nhau, mừng mừng, tủi tủi … chúng tôi xin phép được mượn nơi đây làm sân trường của một sáng Thứ Hai năm nào để làm lễ khai mạc."

Nghi thức chào quốc kỳ VNCH đã được cử hành thật trang nghiêm và xúc động nhất là đối với những người đến từ Việt Nam sau hơn 40 năm vắng bóng lá Cờ Vàng.

Sau phần chào quốc kỳ là Một Phút Mặc Niệm với lời dẫn - "Đặc biệt hôm nay, tại nơi đây, trong giây phút trang nghiêm này, chúng tôi xin tất cả Quý vị, Quý Thầy Cô và Anh Chị Em dành một phút để tưởng nhớ những thầy cô, những học sinh thuộc Quảng Nam, Đà Nẵng, vì để bảo vệ miền Nam, vì tự do dân chủ mà đã rời trường, bỏ lớp lên đường đem xương máu góp phần trong cuộc chiến, hoặc đã vĩnh viễn ra đi trong nhiều trưòng hợp khác nhau, không còn cơ hội để về với chúng ta trong những lần hội ngộ."

Để bày tỏ tinh thần "Tôn sư trọng đạo" của một nền văn hóa nhân bản với truyền thống tốt đẹp của Miền Nam Việt Nam trước ngày 30/04/1975, BTC, qua các cựu học sinh, đã trao tặng Bảng Tri Ân đến cho quý thầy cô tham dự.

Đồng Trưởng BTC, cô Tôn Nữ Phượng Cát (Kỹ Thuật) và Nguyễn Thi Kim Anh (Thánh Tâm) ngõ lời chào mừng các quan khách và chính thức khai mạc Đại Hội bằng một bài phát biểu nói lên mục đích của Đại Hội và nổi lòng của những người con xa xứ với những lời lẽ chân tình, sâu sắc và vô cùng xúc động -

"...

Mục đích của BTC mời quý vị đến đây để cùng nhớ về trường xưa, nhớ về quê hương, nơi đã đi qua một thời thơ ấu của những người đang sống tha phương trên toàn thế giới. Nhưng là một người con Việt, chúng ta luôn mang nặng trong lòng nỗi nhớ không nguôi về ngày tháng cũ. Nơi chúng ta đã được đào luyện trong một nền giáo dục nhân bản, biết tôn sư trong đạo, biết hiếu thuận với gia đình, biết thương yêu đồng loại.

Nhưng trong tình trạng hiện tại, nỗi nhớ pha lẫn đắng cay, pha lẫn ngậm ngùi. Trường xưa giờ mất dấu, trường xưa giờ mất tên, có chăng chỉ còn là kỷ niệm.

Còn đâu bài học Con Rồng Cháu Tiên, còn đâu bài học chiến đấu để bảo vệ quê hương, khi quê hương ta đang rách nát từng ngày dưới sự cai trị độc tài độc đảng bán nước cầu vinh. Khi mà tuổi thơ học trò phải lăn vào dòng người đấu tranh để tìm nguồn sống an lành, tuổi thơ chỉ xin chọn nước trong, biển sạch cho một cuộc sống đơn thuần. Tuổi thơ như chúng ta ngày nào vui chân sáo đến trường, tuổi thơ bây giờ quằn quại trong những trận đòn chí tử của bạo quyền CS chỉ vì xin được sống, được thở không khí trong lành.

Kính thưa quý vị, tuy chúng ta đang sống tự do cơm no áo ấm, nhưng chắc chắn trong lòng quý vị đang hoài niệm về sân trường, hoài niệm về quê hương với nỗi đắng cay chất ngất. Xin hãy cùng nhau ngồi lại để tưởng nhớ hình ảnh ngày nào dưới mái trường xưa, để thương nhớ và để ngậm ngùi xót xa khi nhớ về bên kia trái đất, quê hương ta đang điêu linh khốn khổ từng ngày.

..."

Giới thiệu các trường, Nghi thức Chào Cờ và Một Phút Mặc Niệm, Tặng quà lưu niệm cho các thầy cô và ngõ lời chào mừng các quan khách là Phần 1 của chương trình Đại Hội.

Bước sang Phần 2 là phần văn nghệ với chủ đề "Hoài Niệm Sân Trường" do các trường đảm trách với các màn ca, vũ gợi nhớ, luyến tiếc về một thời áo trắng đầy ắp những kỹ niệm thân thương dưới mái trường xưa trong những năm tháng bình yên của Miền Nam Việt Nam.

Đặc biệt là phần trình bày Hành Khúc của các trường đã phản ảnh một nền giáo dục không chỉ chú trọng về kiến thức mà còn đặt nặng về vấn đề rèn luyện nhân cách, đạo đức làm người - "nhân nghĩa lễ trí tín", tình thương yêu, tinh thần yêu nước quật cường và giá trị của sự tự do. Phần văn nghệ đựơc bắt đầu bằng bài hợp ca "Vẫn Còn Đây Các Con Của Mẹ" (Nguyệt Ánh) và chấm dứt với ca khúc "Em Vẫn Mơ Một Ngày Về" (Nguyệt Ánh) đã nói lên "Tình yêu đất tổ và nỗi mong chờ một ngày đoàn tụ nơi chốn khởi đi là những thao thức trăn trở … Đó chính là hành trang quý gía còn lại hôm nay, là món quà, là tấm lòng của những người con xa xứ trao tặng nhau trong mùa hạnh ngộ, như đàn cá hồi mong trở về với dòng sông nước ngọt, cho dù 'Trong lau lách chim kêu lời báo tử - Đá ngậm ngùi bật khóc giữa đêm khuya'".

Thời còn cắp sách đến trường chúng ta thường nghe câu - "Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò" nói lên sự quậy phá của đám học sinh tinh nghịch, quỷ quái, nhưng với thời gian qua mau, bây giờ các cô cậu học sinh ngày nào đã trở thành các ông bà nội, ngọai... chỉ còn sức dìu nhau ra "quậy" một cách lành mạnh và vui nhộn trên sàn nhảy với sự trình diễn trẻ trung, sống động của hai ca sĩ Hà Thanh Xuân và Don Hồ. Phần dạ vũ là Phần 3 và cũng là phần cuối của chương trình Đại Hội.

Đối với quý bà, dầu đã được thăng chức làm nội, ngoại nhưng vẫn duyên dáng trong những tà áo dài đầy màu sắc và nhất là vẫn còn dáng dấp của các nữ sinh trong chiếc áo dài màu trắng, trắng như những trang vở học trò. Suốt buổi Đại Hội bạn bè gặp lại nhau tụm năm, tụm bảy ríu rít, mày tau chi tớ, cụng ly, cười nói, vổ vai, ôm nhau mừng vui hớn hở, lôi kéo nhau chụp hình lưu niệm ... có lẽ không còn có hình ảnh nào cảm động hơn như thế.

Con số quan khách tham dự và phần văn nghệ chủ đề đặc sắc đã nói lên sự thành công của Đại Hội, đó là do sự cộng tác của các trường và công sức đóng góp của BTC (soạn thảo chương trình, đưa ra kế hoặch, sắp xếp, điều hợp,...), đặc biệt là sự chuẩn bị chu đáo cho việc dàn dựng và những lời phát biểu trong nghi thức khai mạc của Đại Hội.

Đại Hội Liên Trường Quảng Đà được tổ chức bằng một tấm lòng và tinh thần hăng say phục vụ một cách thiện nguyện không chỉ với mục đích tạo cơ hội hội ngộ cho các cựu học sinh, quý thầy cô và thân hữu, để tưởng nhớ về sân trường, về quê hương nghìn trùng xa cách mà còn là dịp để gìn giữ, nuôi dưỡng tinh thần nhân bản của một nền giáo dục tốt đẹp của Miền Nam Việt Nam.

Garden Grove, Orange County, California, USA

28 & 29/05/2016

Một số hình ảnh Đêm Tiền Đại Hội và Ngày Đại Hội Liên Trường Quảng Đà 2016 -

https://goo.gl/photos/XBfwNY2jUMZZWYF8A

Một số hình ảnh Ngày Đại Hội Liên Trường Quảng Đà 2016 của Hải Trần

https://photos.google.com/share/AF1QipOTlp4KNISudtwZnR76utT2hpakZV9pn2s6n_WhFO8Vv2NFzNfuAa0r6CEAutDzyQ?key=Rm14RWczMHZRczBacTZveTFLTTdkazFwem5fQWV3

http://www.lyhuong.net/uc/index.php/shcd/4563-4563



























*** 

No comments:

Post a Comment